Năm 1951, khi thành lập Ngân hàng Quốc gia thì cơ quan này lãnh phần phát hành tiền tệ cùng các dịch vụ tín dụng cho vay kể từ ngày 6 tháng 5, 1951.Ngân hàng này cho lưu hành một loạt tiền mới, tục gọi là “tiền ngân hàng”. Tỷ giá là 1 đồng ngân hàng bằng 10 đồng tài chính cũ. Sang tháng 1 năm 1953 thì ấn định là 1 đồng ngân hàng bằng 100 đồng tài chính.Trong khi đó ở vùng Pháp kiểm soát thì đồng bạc Đông Dương vẫn được dùng cho đến năm 1955. Hối suất giữa hai loại tiền này là 1 đồng bạc Đông Dương bằng 40 đồng “tiền ngân hàng”.
Năm 1954, sau Hiệp định Genève, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp tục phát triển nền tài chính độc lập. Để bảo đảm quyền lợi cho người dân ở các vùng tiếp quản, Chính phủ thực hiện đổi từ đồng bạc Đông Dương sang tiền Việt Nam từ ngày 11 tháng 10 năm 1954 với tỉ suất 1 đồng bạc Đông Dương được 30 đồng tiền Việt. Đến ngày 7-11-1954, tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa đã làm chủ thị trường miền Bắc, đồng bạc Đông Dương dần bị xóa khỏi một nửa đất nước từ vĩ tuyến 17 trở ra.
Ở miền Nam, trong cuộc di cư ra bắc, chính quyền cách mạng đã cho đổi ngược từ tiền kháng chiến sang đồng bạc Đông Dương để bảo đảm quyền lợi người dân ở lại bên đây vĩ tuyến 17. Tỉ suất 40 đồng tiền kháng chiến đổi được 1 đồng bạc Đông Dương. Chính quyền đã chuẩn bị sẵn đồng bạc Đông Dương đủ để đổi 3 tỉ đồng tiền kháng chiến đang giữ trong dân, nhưng đến ngày cuối vẫn còn dư. Lý do là đồng bào Nam Bộ nhiều người muốn giữ lại những tờ tiền kháng chiến làm kỷ niệm. Ngoài ra, hối suất với piastre lưu hành ở phía nam vĩ tuyến 17 là 30 – 32 đồng Bắc Việt Nam = 1 piastre hay đồng Nam Việt Nam.
Tỷ giá hối đoái của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thả nổi theo giá thị trường mà được ấn định theo cơ chế kinh tế chỉ huy. Đối với hai quốc gia mật thiết trao đổi hàng hóa với Miền Bắc thì hối suất cố định là 1,47 đồng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bằng 1 Nhân dân tệ Trung Quốc còn với Rúp thì 735 đồng bằng 1 Rúp. Tỷ số này sau đổi thành 308 đồng 1 Rúp. Tuy nhiên, ngoài chợ đen, giá được ấn định khác.
Nguồn: Tổng hợp từ internet và Wikipedia Việt Nam