
LayerZero là dự án Cross-chain infrastructure. Vậy dự án này có gì nổi bật? Tìm hiểu thêm về cơ chế hoạt động của LayerZero tại đây!!!
LayerZero là gì?
Hiện tại, có rất nhiều blockchain đang phát triển. Do đó, các dự án và người dùng đều nảy sinh nhu cầu luân chuyển dòng tiền từ blockchain này sang blockchain khác. Hiện tại, để chuyển đổi token gốc giữa hai chuỗi (ví dụ chuyển đổi từ Ethereum sang Bitcoin), người dùng cần sử dụng các sàn tập trung (Binance, FTX…) hoặc phải thông qua các sàn phi tập trung (cross-chain DEX). Tuy nhiên, trong cả 2 trường hợp, việc thực hiện giao dịch đều cần “phụ thuộc” nhất định vào một bên thứ 3. Điều này đi ngược lại đặc tính quan trọng của blockchain là trustlessness (sự không tin cậy, phụ thuộc).
LayerZero là một giao thức cơ sở hạ tầng chuỗi chéo (cross-chain), LayerZero giới thiệu một concept mới là Omnichain Dapps (odApps). Với kiến trúc của mình, LayerZero cho phép các nhà phát triển tạo ra các odApps dễ dàng giống như việc phát triển dApps cho một mạng đơn lẻ như Ethereum hoặc Polygon trong khi có thể tận dụng khả năng tổng hợp trên các mạng.
Khi các ứng dụng người dùng (User Application – UA) gửi một thông điệp từ Chain A sang Chain B, lượng thông tin này được truyền tải thông qua các giao thức giao tiếp đặc biệt (Communication protocol) của Chain A và được định tuyến tại điểm cuối (endpoint)* của A, sau đó điểm cuối của A truyền thông tin qua Chain B và thông tin sẽ được xác minh thông qua Oracle và Relayer.
*Điểm cuối (Endpoint) là nơi tiếp nhận thông tin, thực hiện quy trình xác thực và nhận thông tin. Các điểm cuối bao gồm 2 thành phần chính:
- Messaging Libraries.
- Proxy.
Nếu như anh em muốn xem video trực quan hóa trên kênh Coin98 Insights TV thì đây là video không nên bỏ qua “LayerZero và Stargate Finance là gì? Kiếm lợi nhuận hấp dẫn với Stargate”
Điểm nổi bật của LayerZero
LayerZero là giao thức có một số điểm nổi bật sau trong cơ chế hoạt động:
Cách tiếp cận thực tế giải quyết bài toán chuyển đổi thông tin từ chain A sang chain B
Hiện tại việc chuyển đổi thông tin giữa các chain đang là một vấn đề khá nhức nhối khi cần đảm bảo về lượng thông tin cần nhận phải chính xác và hỗ trợ người dùng một cách tối ưu nhất

Chi phí triển khai thấp
Hiện tại, blockchain xử lí dữ liệu thông qua các Node, phiên bản tối ưu hơn của Node sẽ là Light Node với mức chi phí rẻ và nhẹ hơn. LayerZero với công nghệ xử lí thông tin thông qua Ultra Light Node sẽ mang lại hiệu quả cao về chi phí.
Use case đa dạng của dự án
LayerZero là cơ sở hạ tầng hỗ trợ và đảm bảo hoàn thiện các tính năng sau cho các giao thức triển khai trên đó: State Sharing, Bridge, Lending, Borrowing, Swap và Governance.
State Sharing
Ví dụ, SushiSwap có mặt trên 12 chain khác nhau với mỗi chain chạy theo một hệ sinh thái riêng biệt, nếu token muốn đồng bộ trên các chain này, chúng ta cần một bộ code sử dụng Wormhole, Rainbow Bridge, Polygon Network Bridge, Avalanche Bridge,… và chúng ta sẽ có một tổ hợp code 12 loại với các đặc điểm riêng biệt và độ bảo mật của từng mạng lưới. Và nếu như SushiSwap tích hợp ngày càng nhiều mạng lưới thì giải pháp này hoàn toàn bất khả thi.
Sử dụng LayerZero, SushiSwap sẽ chỉ sử dụng một giao diện và sử dụng một bộ code được viết sẵn cho các cặp cross-chain. Người dùng chỉ cần thực hiện các thao tác “Gửi” và “Nhận”. Trong đó:
- “Gửi” sẽ bao gồm việc soạn thông điệp.
- “Nhận” sẽ là hiểu được thông điệp được nhận.
Khả năng swap
Các AMM thông thường có thể thực hiện cross-chain swap một tài sản mà không cần phải thay đổi bất cứ nhóm code nào. LayerZero cũng ứng dụng tính năng này, tuy nhiên, LayerZero sẽ là một phiên bản hoàn thiện hơn khi cho người dùng chuyển đổi trực tiếp các token từ chain này sang token của chain khác.
Ví dụ: Người dùng có thể chuyển đổi ETH trên mạng lưới Ethereum sang SOL trên mạng lưới Solana trong một giao dịch với các thao tác đơn giản như swap trên một nền tảng AMM thông thường.
Lending và Borrowing
Hiện tại, nếu người dùng đang có tài sản ở Chain A nhưng muốn tham gia farming trên Chain B thì cần thế chấp tài sản trên Chain A, sau đó sẽ cần thực hiện các giao dịch như mượn, bridge tài sản (có trả phí), swap (có trả phí), rồi sau đó mới có thể farming trên Chain cần thực hiện.
Với LayerZero, người dùng có thể thế chấp tài sản ở Chain A sau đó vay mượn một loại tài sản ở Chain B, tham gia farming, thanh toán hay làm các tác vụ khác, bằng native token hoặc wrapped token tương ứng có thanh khoản cao nhất trên Chain B. Anh em có thể loại bỏ 4 quy trình bridge và một phần phí giao dịch phải tốn.
LayerZero – Định hình tương lai chuyển đổi layer của IBC

Hệ sinh thái Cosmos được kết nối thông qua Inter-Blockchain Communication Protocol (IBC) và hiện tại đang thu hút khá nhiều các chain Tendermint như Terra đã kết nối với Cosmos Hub, Osmosis,… Hệ sinh thái Cosmos đang được xem là phát triển nhanh, tuy nhiên vẫn đang bị kiềm hãm lại do một vấn đề cố hữu của hệ sinh thái Ethereum – phí gas giao dịch để kết nối giữa Ethereum và các chain EVM.
LayerZero – một giao thức Omnichain đang được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề trên, có khả năng gửi thông tin đến bất kỳ contract của một chain nào. Thông tin sẽ được lưu trữ dưới dạng Byte cho phép người dùng kiểm soát và hiểu được nguồn thông tin. Đơn giản sẽ là, LayerZero gửi thông tin thông qua các layer với smart contract để giao tiếp với các chain.
Các dApp đang tiến tới cấu trúc multichain, nhưng nếu như LayerZero hoàn thiện thì việc LayerZero được sử dụng rộng rãi trong thời gian tới cũng là một điều dễ hiểu.

So sánh giữa LayerZero và các giải pháp cũ

Anh em có thể thấy hình trên là ví dụ về việc so sánh giữa CEX, DEX thông thường và một CEX hoặc DEX được xây dựng trên LayerZero.
Sàn giao dịch tập trung (CEX) sẽ phải yêu cầu người dùng gửi token của họ tới sàn. Việc theo dõi khoản tiền này sẽ được thực hiện off-chain (ngoài chuỗi), và bởi một bên thứ 3. Lúc này, người dùng phải lựa chọn tin tưởng vào bên chủ sàn CEX. Sau đó, tiền sẽ được chuyển đến chuỗi khác nếu người dùng muốn.
Ở cấp độ tiếp theo, các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) sẽ thực hiện việc trao đổi bằng cách sử dụng sự đồng thuận. Tuy nhiên, thông thường để DEX thực hiện được câu chuyện này, cần có một token trung gian để swap giữa Chain A và Chain B hoặc phải sử dụng token dạng Wrapped. Điều này dẫn đến 2 hạn chế lớn:
- Người dùng buộc phải tin vào mã token trung gian, hoặc 1 mã wrapped (ví dụ WBTC). Trong trường hợp rủi ro các mã này mất giá trị, mất thanh khoản, thiệt hại sẽ thuộc về người dùng.
- Chịu thêm chi phí.
Giải pháp của LayerZero cho phép thực hiện một giao dịch mà không cần bất kỳ một token trung gian nào. Giao dịch được xử lý bằng cách hợp đồng thông minh ở một trong 2 chain, LayerZero sẽ gửi thông điệp giữa 2 chain này.
Các thành phần trên LayerZero
1. LayerZero Endpoint
Là điểm cuối được người dùng sử dụng. Mỗi chain trong mạng LayerZero sẽ có một LayerZero Endpoint được triển khai dưới dạng một tập hợp các hợp đồng thông minh on-chain. Mục đích của Endpoints là cho phép người dùng gửi tin nhắn bằng giao thức, đảm bảo giao dịch được xác thực hợp lệ.
2. Oracle
Là dịch vụ của bên thứ 3 cung cấp với cơ chế độc lập. Hiện tại, LayerZero đang sử dụng dịch vụ của Chainlink.
3. Relayer
Là một dịch vụ ngoài chuỗi tương tự như chức năng của Oracle. Relayer sẽ có chức năng tìm nạp các bằng chứng (proof) cho một giao dịch được chỉ định. Theo thông tin, Relayer sẽ do LayerZero tự xây dựng chứ không sử dụng dịch vụ của bên thứ ba.
4. Team và Backer
Sở dĩ rất nhiều người kỳ vọng và tin tưởng vào LayerZero – dù dự án chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, một phần lớn là vì team phát triển của dự án. Một trong những người đứng sau phát triển LayerZero chính là 0xMaki – một trong những đồng sáng lập cũ của SushiSwap và cũng là người đứng sau rất nhiều dự án DeFi đình đám.
Ngày 30/3/2022, LayerZero đã chính thức thông báo việc gọi vốn thành công vòng Series A lên đến 135 triệu USD với những cái tên hàng đầu trong crypto:

Với những quỹ đầu tư hàng đầu và những cá nhân hàng đầu hỗ trợ, LayerZero còn có thể gặt hái được rất nhiều thành công. Đây chính là cơ hội để anh em trải nghiệm LayerZero và tìm kiếm cơ hội đầu tư trong thời gian tới. Với việc gọi vốn lớn như vậy, khả năng rất cao là LayerZero sẽ có retroactive cho những người dùng sớm trên giao thức.
Hiện tại, LayerZero đã có sản phẩm đầu tiên là Stargate Finance – một nền tảng cho phép swap các native-asset giữa các chain. Anh em có thể dùng thử sản phẩm để trải nghiệm và có cơ hội nhận retroactive của LayerZero nhé.